Dây thần kinh tọa là một dây thần kinh lớn và dài nhất trong cơ thể, bao gồm nhiều rễ thần kinh tạo thành như: L4, L5, S1, S2 và S3; trong đó L5 và S1 là 2 rễ thần kinh cơ bản nhất dễ gây đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm nhất.
Khi bị tổn thương dây thần kinh tọa sẽ ảnh hưởng đến cảm giác, dinh dưỡng và vận động của những cấu trúc chi dưới, nhất là vùng cẳng chân. Bệnh nhân đau thần kinh tọa thường sẽ hạn chế cho việc đi đứng, đi bằng gót và mũi chân. Một số động tác như gấp duỗi bàn chân, xoay ngoài hoặc xoay trong bàn chân và co duỗi các ngón chân sẽ bị hạn chế.
Đau thần kinh tọa là triệu chứng rất hay gặp gây cho người bệnh cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ vùng cột sống thắt lưng sau đó lan đến mặt ngoài của đùi, mặt trước ngoài vùng cẳng chân, rồi đến vị trí mắt cá ngoài và tận những ngón chân trên bàn chân cùng bên.
Đau dây thần kinh tọa do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng trong đó chủ yếu là do tình trạng thoát vị đĩa đệm, vì vậy bệnh lý này thường được gọi là đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.
Nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm được nghiên cứu là có liên quan đến một số yếu tố như chấn thương, thoái hóa đĩa đệm… Bệnh thường xuất hiện trên những bệnh nhân trong độ tuổi từ 30 đến 60, và tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Bệnh đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm thường có xu hướng xuất hiện nhiều ở những bệnh nhân làm công việc nặng như: Khuân vác vật nặng, lái tàu xe, ngồi sai tư thế… đều là những yếu tố nguy cơ gây khởi phát một cơn đau thần kinh tọa.
Điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm nên được thực hiện sớm để giúp bệnh nhân cải thiện được những hạn chế đi lại và hạn chế vận động vùng chi dưới, từ đó có thể tham gia sinh hoạt và làm việc một cách dễ dàng hơn.